Phương thức gửi hàng lẻ

 

Phương thức gửi hàng lẻ được sử dụng khi người gửi hàng không đủ lượng hàng để xếp đầy một container.

Quy trình

– Người gom hàng đóng nhiều lô hàng lẻ của các chủ hàng khác nhau vào cùng một container bằng chi phí của mình.
– Người vận chuyển xếp container lên tàu.
– Tại cảng đến, đại lý giao nhận nhận container được dỡ từ tàu xuống, vận chuyển về trạm làm hàng lẻ để rút hàng.
– Các lô hàng được tách ra riêng biệt và giao cho người nhận
( người NK)

Trách nhiệm của các bên:

* Người gửi hàng:
– Vận chuyển hàng từ kho hay nơi chứa hàng của mình đến trạm làm hàng lẻ của cảng gửi giao cho người gom hàng và phải chịu chi phí vận chuyển này.
– Chuyển các chứng từ cần thiết liên quan đến thương mại, vận tải, thủ tục xuất khẩu cho người gom hàng.
– Nhận vận đơn và trả cước hàng lẻ.

* Người nhận hàng:
– Xin giấy phép nhập khẩu và làm thủ tục hải quan cho lô hàng.
– Xuất trình vận đơn hợp lệ cho người nhận hàng.
– Nhanh chóng nhận hàng tại trạm CFS.

* Người vận chuyển hàng lẻ:
Có thể là người vận chuyển thực sự ( effective carrier) tức hãng tàu hoặc có thể là người thầu vận chuyển hàng lẻ nhưng lại không có tàu ( NVOCC: Non Vessel Operating Common Carrier).
Người vận chuyển thực sự ( hãng tàu) vận chuyển hàng lẻ với tư cách người gom hàng, ký phát vận đơn thực ( Master B/L) cho người gửi hàng, xếp hàng lên tàu, chuyên chở đến cảng đích và dỡ hàng xuống cảng, giao hàng cho người nhận tại trạm CFS cảng đến.
Người thầu vận chuyển hàng lẻ ( NVOCC) thường do công ty giao nhận đảm trách với tư cách người gom hàng, là người chuyên chở theo hợp đồng vận chuyển ( Contracting Carrier) chứ không phải là đại lý ( agent).
Người thầu vận chuyển hàng lẻ chịu trách nhiệm suốt quá trình vận chuyển hàng từ khi nhận hàng tại cảng gửi đến khi giao trả hàng xong tại cảng đích. Vận đơn họ ký phát cho người gửi hàng có thể là vận đơn tập thể ( House Bill of Lading) hoặc vận đơn do Hiệp hội những người giao nhận quốc tế soạn thảo ( FIATA Bill of Lading) nếu họ là thành viên của hội này.

Theo Nghiệp vụ vận tải và bảo hiểm trong ngoại thương (Dương Hữu Hạnh)

 

Phương thức gửi hàng đầy container

Phương thức gửi hàng đầy container được sử dụng khi người gửi hàng có lượng hàng đủ chứa đầy một hay nhiều container hoặc hàng hoá có tính chất đòi hỏi phải chứa trong một container, nên thuê cả một hay nhiều container để gửi hàng.

Quy trình

– Chủ hàng đóng hàng vào container tại kho riêng hoặc tại bãi. Sau khi làm thủ tục hải quan kiểm hoá, container được niêm phong kẹp chì.
– Chủ hàng hay công ty giao nhận vận chuyển container đến bãi chứa container (C/Y) để chờ xếp lên tàu.
– Tại cảng đến, người vận tải sắp xếp và chịu chi phí vận chuyển container vào bãi chứa của mình.
– Từ bãi chứa container, người nhận hàng hoặc công ty giao nhận sắp xếp và làm thủ tục hải quan, vận chuyển về kho riêng và rút hàng

Trách nhiệm của các bên:

* Người gửi hàng( Shipper)
– Vận tải hàng từ kho hay nơi chứa hàng trong nước đến bãi chứa container của cảng gửi hàng.
– Ðóng hàng vào container, kể cả chất xếp và chèn lót.
– Ghi ký mã hiệu ( markings) và dấu hiệu chuyên chở.
– Niêm phong và cặp chì container theo quy chế xuất khẩu và làm thủ tục hải quan.
– Chịu mọi chi phí liên quan.
Việc đóng hàng vào container có thể thực hiện tại bãi chứa container hoặc tại kho riêng của người gửi hàng nếu có yêu cầu, nhưng người gửi hàng phải đảm bảo an toàn và chịu chi phí điều vận container đi và về bãi chứa.
* Người nhận hàng ( Consignee)
– Xin giấy phép nhập khẩu và làm thủ tục hải quan cho lô hàng.
– Xuất trình B/L hợp lệ cho người vận chuyển để nhận hàng.
– Rút hàng tại bãi chứa hoặc tại kho của mình để hoàn trả container rỗng cho người chuyên chở kịp thời, tránh bị phạt.
* Người vận chuyển ( Carrier)
– Chăm sóc, giữ gìn, bảo quản hàng xếp trong container kể từ khi nhận từ người gửi tại bãi chứa của cảng gửi cho đến khi giao trả hàng cho người nhận tại bãi chứa ở cảng đến.
– Xếp hàng từ bãi chứa ở cảng gửi lên tàu kể cả việc xếp hàng trên tàu.
– Dỡ hàng từ tàu xuống bãi chứa ở cảng đến.
– Giao hàng cho người nhận có vận đơn hợp pháp.
– Chịu mọi chi phí xếp dỡ container lên xuống tàu.

Theo Nghiệp vụ vận tải và bảo hiểm trong ngoại thương (Dương Hữu Hạnh)

 

 

Các loại hợp đồng thuê container

Hợp đồng thuê chuyến ( Trip Leasing)
Hợp đồng thuê tàu chuyến được sử dụng khi người thuê có nhu cầu sử dụng ngay container. Giá tiền thuê chuyến được tính theo đơn vị container/ngày hoặc container/tháng, biến động theo thị trường và thường cao hơn giá cho thuê ở các loại hợp đồng khác.

Nói chung, người cho thuê container không thích cách cho thuê này vì nó có tính tạm thời, thiếu ổn định và nếu không có các biện pháp hữu hiệu sẽ có thể dẫn đến sự đảo lộn kế hoạch bố trí khai thác, tạo ra sự tồn đọng container ở một địa điểm nào đó.

Hợp đồng không thuê quy định số lượng container bắt buộc (Rate agreement)
Hợp đồng này chủ yếu quy định giá tiền thuê container không thay đổi trong suốt thời gian hiệu lực của hợp đồng, bất kể container nằm ở địa điểm nào miễn là thuộc phạm vi quản lý quy định của người cho thuê.
Hợp đồng không quy định số lượng container bắt buộc hai bên phải thực hiện. Người thuê tuỳ theo nhu cầu từng chuyến mà đề nghị số lượng và người cho thuê tuỳ theo khả năng của mình vào lúc ấy mà đáp ứng. Hợp đồng quy định địa điểm hoàn trả container, số lượng hoàn trả trong mỗi tháng và phí hoàn trả container ( nếu có).

Hợp đồng cho thuê có quy định số lượng container tối thiểu bắt buộc ( Master lease)
Hợp đồng này quy định người thuê sử dụng một số lượng container tối thiểu trong suốt thời gian hiệu lực của hợp đồng và phải trả đủ số tiền thuê quy định, mặc dù có khi người thuê không sử dụng hết. Mặt khác, người thuê có thể thuê vượt quá số lượng quy định nếu có nhu cầu.
Hợp đồng còn quy định điều kiện hoán đổi, có nghĩa là trong thời gian thuê, người thuê có quyền hoàn trả một số lượng container ở nơi này và nhận một số lượng tương ứng trong khu vực mà hai bên thoả thuận.
Cách thuê này có lợi cho người thuê vì nó cho phép người thuê điều chỉnh số lượng container khớp với nhu cầu thực tế nhưng lại đòi hỏi người cho thuê phải bố trí mạng lưới container rộng khắp và do đó chi phí quản lý hành chính sẽ tăng lên.

Hợp đồng thuê dài hạn ( Long term lease)
Hợp đồng này quy định người thuê sử dụng một số lượng container trong suốt thời gian thuê mà không có sự hoán đổi và chỉ hoàn trả container khi hết hạn hợp đồng. Nếu người thuê vi phạm sẽ phải nộp tiền phạt. Các công ty vận chuyển container thường sử dụng cách này.
Ðôi khi hợp đồng thuê container dài hạn có thể biến dạng thành hợp đồng thuê mua ( purchase- lease contract), nghĩa là người thuê sử dụng dài hạn, trả tiền thuê cho đến hết hạn quy định trong hợp đồng thì quyền sở hữu container chuyển sang luôn cho người thuê. Người thuê sử dụng luôn cách thuê mua vì họ không muốn hoặc không có khả năng chi trả ngay một lần tiền mua container.

Trong các hợp đồng thuê container nói trên, giá tiền thuê, phí bảo hiểm, điều kiện thuê, việc nhận, hoàn trả container là các điều khoản chủ yếu cần lưu ý.


Theo Nghiệp vụ vận tải và bảo hiểm trong ngoại thương (Dương Hữu Hạnh)

Leave a comment