Nói chuyện phiên dịch

1.0 Phiên dịch là gì?

Phiên dịch (translation) là việc chuyển đạt lời lẽ, ý tưởng của một bản văn (text) từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác bằng lời lẽ, ý tưởng tương đương dưới hình thức chữ viết.

Ở Việt Nam hiện giờ, người ta gọi hiện tượng này là biên dịch, còn phiên dịch thì nay lại được dùng để chỉ công việc thông dịch, thông ngôn, hay nôm na là dịch nói (interpreting). Trong thuật ngữ phiên dịch, bản văn có thể hiểu là có hình thức của một từ (word), một đoản ngữ (phrase), một câu (sentence), một cú đoạn (paragraph), một đoạn văn (passage), hay cả một cuốn sách (book). Danh từ chuyên môn gọi ngôn ngữ đem chuyển ngữ là ngôn ngữ gốc hay ngôn ngữ nguồn (source language) và ngôn ngữ được chuyển ngữ là ngôn ngữ ngọn hay ngôn ngữ đích (target language). Nói khác đi, nếu ta phiên dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, thì tiếng Anh là ngôn ngữ gốc (ngôn ngữ nguồn) còn tiếng Việt là ngôn ngữ ngọn (ngôn ngữ đích), và ngược lại.
2.0 Thực thể ngôn ngữ

Nói đến phiên dịch là nói đến ngôn ngữ. Nếu ngôn ngữ chỉ là mớ danh pháp, tên đặt cho toàn bộ những ý niệm chung trong vũ trụ, đâu cũng như đâu, thì việc phiên dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác chắc sẽ dễ dàng, giản dị, không có gì đáng nói. Trong trường hợp dịch từ Anh sang Việt chẳng hạn, ta chỉ việc thay thế tên tiếng Anh dùng chỉ một ý niệm nào đó bằng một tên tiếng Việt tương đương có sẵn dùng chỉ ý niệm đó là xong. Thí dụ “table” là “cái bàn”, “book” là “quyểnsách'”, “woman” là “đàn bà”, v.v…

Nhưng thực tế không phải là như vậy, người ta đã khám phá ra vô số bằng chứng cho thấy rằng mỗi ngôn ngữ diễn tả, tổ chức thực thể vũ trụ một cách, mỗi cộng đồng ngôn ngữ chia cắt kinh nghiệm, mổ xẻ thế giới theo nhãn quan cuả những người nói ngôn ngữ đó. Dưới đây là một vài thí dụ điển hình cho thấy ngôn ngữ đã phản ảnh thế giới quan của người nói tiếng bản ngữ ra sao và ảnh hưởng cuả nó đối với nghệ thuật phiên dịch thế nào.

2.1 Ý niệm về “màu sắc”

Nói về “màu sắc”, trong tiếng Anh, theo Berlin và Kay, người ta phân biệt 11 màu sắc cơ bản là “trắng, đen, đỏ, xanh lá cây, vàng, xanh nước biển, nâu, tím, hồng, da cam, xám'” (white, black, red, green, yellow, blue, brown, purple, pink, orange, grey), trong tiếng Việt ta có bảy màu sắc cơ bản là “xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, nâu, đen”. Tiếng Anh phân biệt màu “green'” và “blue”, trong khi người Việt ta nói chung hai màu đó là màu “xanh” (green /blue) là đủ. Thí dụ như khi ta nói “đèn xanh đèn đỏ”, “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, hay “Biết anh thích màu trời, em đã bồi hồi chọn màu áo xanh” chẳng hạn. Tiếng Anh phân biệt “yellow” và “orange”, trong khi người Việt ta gộp chúng lại làm một gọi là màu “vàng”. Chẳng hạn như, trong trường hợp bình thường, một cô gái mặc áo dài màu “yellow’ hay màu “orange’ thì ta cũng chỉ nói chung là “áo vàng”, hay như trong “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc’ là đủ rồi, không cần thắc mắc là cúc màu “vàng” hay màu “cam”, vì “cam” cũng là “vàng”.

2.2 Ý niệm về ‘nhiệt độ’

Nhiệt độ trong tiếng Anh có bốn từ cơ bản “hot, warm, cool, cold”; trong tiếng Việt cũng có bốn từ cơ bản “nóng, ấm, mát, lạnh”. Hai từ “hot, cold” chỉ hai thái cực của nhiệt độ thì tương đương với “nóng, lạnh” đã đành, nhưng “warm, cool” thì không hoàn toàn tương đương với tiếngViệt “ấm, mát'” khi nói về nhiệt độ thời tiết. Tiếng Anh khi nói “warm” có nghĩa là “nóng” mà cũng có nghĩa là “ấm”, diễn tả cái “khó chịu'” (discomfort) cũng như cái “dễ chịu” (comfort) của từ ngữ đó. Thí dụ “It’s getting warm in here!” (Trong này coi bộ nóng à nghe!) nói diễn tả cái “khó chịu” khi rút khăn mùi xoa lau mấy giọt mồ hôi đọng trên trán, và “It’s getting warmer today” (Hôm nay trời coi bộ ấm) nói diễn tả cái “dễ chịu'” sau mấy ngày lạnh buốt giá. Vậy là tùy theo ngữ cảnh, tùy theo yếu tố phi ngôn ngữ (nonlinguistic elements), mà ta phải dịch là “nóng” hay “ấm”. Còn tiếngViệt nói “ấm” thì có nghĩa là “không lạnh” diễn tả cái “dễ chịu” không mà thôi, như khi ta nói “Hôm nay trời ấm áp, dễ chịu quá”, hay “Mặc cái áo len này vào cho ấm “, tất nhiên không hàm nghĩa “khó chịu”.

Tương tự trong tiếng Anh “cool” có nghĩa là “lạnh” mà cũng có nghĩa là “mát”, diễn tả cái “khó chịu” cũng như cái “dễ chịu” cuả từ ngữ đó. Còn tiếng Việt nói “mát” thì chỉ có nghĩa là “không nóng” dùng diễn tả cái “dễ chịu”, như khi ta nói “Hôm nay trời mát mẻ, dễ chịu quá”, hay “Cởi cái áo len này ra cho mát”, tất nhiên không hàm nghĩa “khó chịu”.

Nhưng khi nói về nhiệt độ không thôi, thì “cold” và “cool” lại đồng nghĩa với nhau trong tiếng Việt gọi chung là “nguội” thường diễn tả cái “khó chịu”. Thí dụ khi ta nói “Ăn cơm đi kẻo thức ăn nó nguội'” (Go ahead and eat, otherwise it [the dinner] will get cold”, hay “Không ăn đi để thức ăn nguội hết rồi!” (The food will get cold if you don’t eat it now). Nhưng cũng có thể diễn tả cái “dễ chịu” nếu ta nói: “Coi chừng! Ðể nguội rồi hẵng ăn” (Be careful! Let it [the food] cool a bit before you eat it).


2.3 Ý niệm về ‘anh chị em’

Trong tiếng Anh người ta chỉ phân biệt phái tính (gender) “nam nữ” trong liên hệ anh chị em bằng từ “brother” (trai) và từ “sister” (gái). Vì vậy, khi giới thiệu người anh trai hay em trai thì họ chỉ nói “He is my brother”, còn khi giới thiệu chị gái hay em gái thì “She is my sister”, thế thôi. Ðể có thể dịch được sang tiếngViệt, ta còn phải hỏi thêm chi tiết là người được giới thiệu đó lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn đươngsự.

Ngoài việc phân biệt phái tính “nam nữ” bằng từ “anh” (trai) và từ “chị” (gái), tiếng Việt ta còn đi xa hơn thế, phân biệt thứ bực “trên dưới” bằng từ “em” (younger sibling), người sinh sau đẻ muộn hơn mình. Có điều là tiếng Việt ta không phân biệt phái tính của người dưới cùng cha sinh mẹ đẻ với mình, ở cấp vai ’em’. Nếu muốn phân biệt thì phải thêm từ ‘trai’ hay ‘gái’ để có thể nói ’em trai’, ’em gái’.

Âu đó cũng thể hiện một khía cạnh văn hóa Ðông – Tây khác biệt. Người Việt mình xem chừng không coi trọng, không quan tâm nhiều đến kẻ dưới bằng người phương Tây, và điều này có thể thấy rõ hơn khi người Việt Nam giới thiệu nhau trong lúc gặp gỡ. Lúc đó ta thường không giới thiệu trẻ em. Liệu cấu trúc Việt ngữ có góp phần vào việc uốn nắn lối suy nghĩ, tư tưởng, hành động của người Việt Nam theo giả thuyết của Sapir Whorf hay không thì đó lại là chuyện khác.

Nguồn: http://lopdich.byethost16.com

3 thoughts on “Nói chuyện phiên dịch

Leave a comment